A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở Nhật Bản

Theo Kế hoạch cơ bản để thúc đẩy giáo dục (2008-2012), Nhật Bản đặt mục tiêu trong vòng 10 năm trở thành xã hội học tập (XHHT), một quốc gia dựa trên giáo dục. Để thực hiện các mục tiêu đặt ra, Nhật Bản lựa chọn các giải pháp cơ bản, bao gồm: nâng cao nhận thức; đa dạng hóa các cơ hội học tập; đánh giá và công nhận trình độ người học, bất kể học ở đâu và học theo cách thức nào.

Từ năm 1949, Nhật đã ban hành Luật Giáo dục xã hội, điều chỉnh mọi hoạt động giáo dục bên ngoài nhà trường, tạo thêm cơ hội học tập cho thanh niên, phụ nữ và người lớn. Có thể coi đó là luật về giáo dục thường xuyên (GDTX) ở Nhật khi quy mô của hệ thống giáo dục (HTGD) còn nhỏ. Đến năm 1987, trước những đòi hỏi mới của đời sống kinh tế-xã hội, Hội đồng quốc gia cải cách giáo dục Nhật Bản đề nghị cần thực hiện bước chuyển căn bản từ HTGD truyền thống sang hệ thống học tập suốt đời (HTSĐ). Các quan niệm cơ bản được đưa ra là: 1)HTSĐ đòi hỏi thứ nhất là việc học ở mọi giai đoạn cuộc đời, thứ hai là rà soát lại toàn bộ các hệ thống kinh tế-xã hội hiện có, bao gồm cả giáo dục, để xây dựng XHHT; 2)  XHHT là xã hội trong đó mọi người được tự do chọn cơ hội học tập vào bất kỳ lúc nào trong đời và kết quả học tập của họ phải được công nhận một cách thích hợp; 3) Xây dựng XHHT là tư duy chủ đạo cho cải cách giáo dục hướng tới thế kỷ 21.

Với chủ trương như trên, thể chế giáo dục Nhật Bản đã có những chuyển động căn bản sau đây: 1) Luật khuyến khích HTSĐ được ban hành vào năm 1990, trên cơ sở đó các hội đồng HTSĐ được thành lập ở cấp quốc gia và cấp tỉnh nhằm xác định các nhu cầu học tập và thúc đẩy HTSĐ ở các cộng đồng địa phương; 2) Cải cách giáo dục được thực hiện vào năm 2000 với một tư duy giáo dục chủ đạo là hướng tới xây dựng XHHT suốt đời, trong đó năng lực cá nhân được tôn trọng và người học có khả năng ứng đáp linh hoạt trước những thay đổi của đời sống kinh tế – xã hội, trong đó có vấn đề quốc tế hoá và tin học hoá; 3) Với việc tái cơ cấu bộ máy nhà nước, Bộ Giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ được thành lập vào năm 2001; Cục Chính sách HTSĐ được thành lập với tư cách là cơ quan trung ương trong việc phân tích, nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách nhằm thúc đẩy HTSĐ; 4) Luật cơ bản về giáo dục được sửa đổi, bổ sung vào năm 2006, trong đó coi HTSĐ là triết lý phát triển của giáo dục Nhật Bản, với quy định “Xã hội phải được tổ chức sao cho mọi công dân có thể tiếp tục HTSĐ, mọi nơi, mọi lúc, và họ có thể vận dụng các kết quả HTSĐ để hoàn thiện mình và có cuộc sống sung mãn” (Điều 3).

Trong khuôn khổ của thể chế nêu trên, việc xây dựng XHHT ở Nhật Bản nhằm đáp ứng 4 yêu cầu cụ thể: 1) cập nhật kiến thức, kỹ năng cho người lao động trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế-xã hội; 2) khắc phục các tác động tiêu cực của một xã hội vị văn bằng; 3) khắc phục sự phân rã giáo dục tức là tình trạng mất đi sự liên kết cần thiết giữa ba môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình và cộng đồng; 4) đáp ứng các yêu cầu học tập của một xã hội già hóa.

Điều đặc biệt quan trọng là, xét về phương diện bộ máy nhà nước, ngành giáo dục không đơn độc trong xây dựng XHHT. Các bộ, ngành khác đều có chương trình cụ thể để một mặt phối hợp với ngành giáo dục trong việc thực thi các giải pháp nêu trên, mặt khác triển khai các chương trình HTSĐ đáp ứng yêu cầu của bộ, ngành. Chẳng hạn, theo chương trình năm 2002 của các bộ, ngành tham gia xây dựng XHHT thì Bộ Kinh tế và công thương tập trung vào các chương trình nâng cao hiểu biết về công nghệ như: sử dụng truyền thông đa phương tiện, mở cửa trường đại học và viện nghiên cứu với công chúng, phát triển chương trình học tập tại bảo tàng khoa học, mở các lớp nghề cho học sinh phổ thông; Bộ Môi trường triển khai các chương trình về xây dựng các tỉnh kiểu mẫu trong giáo dục môi trường, tổ chức các hội chợ về môi trường, các sinh hoạt câu lạc bộ về môi trường v.v…

Nâng cao nhận thức

Đa dạng hóa các cơ hội

học tập

Đánh giá và công nhận trình độ người học

  • Thông tin tuyên truyền
  • Tăng cường các hoạt động tư vấn
  • Tổ chức các lễ hội HTSĐ
  • Giáo dục nhà trường
  • Giáo dục xã hội
  • Giáo dục thông qua các hoạt động văn hóa, bảo tàng, thể dục, thể thao…
  • Công nhận tín chỉ
  • Phát triển các chương trình đánh giá kỹ năng
  • Xây dựng hệ thống đánh giá qua công việc

XHHT Nhật Bản nhìn từ góc độ nguyên nhân và giải pháp

 

Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản lớn trên con đường hướng đến mục tiêu mong muốn. Thứ nhất, tỷ lệ người lớn học đại học ở Nhật còn rất thấp, một phần vì các trường đại học Nhật ít tạo cơ hội cho người lớn theo học, phần khác vì ngoài 22 tuổi người Nhật cũng không hào hứng học đại học. Thứ hai, xã hội Nhật vẫn coi trọng giáo dục chính quy và coi nhẹ GDTX. Thứ ba, giáo dục Nhật vẫn đặt trọng tâm vào việc nắm vững kiến thức với việc đề cao phương pháp lấy giáo viên làm trung tâm, do đó không thích hợp với người theo học GDTX.

Vụ GDTX


Nguồn:Bộ Giáo dục và Đào tạo Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội